Tôi viết về người thầy của tôi, thầy Bêlicốp. Hẳn mới nghe tựa đề chắc bạn sẽ giật mình vì có một người thầy “kì cục” như thế. Nhưng đó chỉ là cách nghĩ non dại khi tôi là cô học trò cấp 3. Bạn biết không, cứ đến tiết học môn Toán, là lúc trong tôi, như tái hiện lại kiến thức văn học “Người trong bao” của Shêkhốp. Thầy tôi mãi trong hình tượng ấy, hình tượng con người kì quái của xã hội Nga lúc bấy giờ. Cả dáng đi, cử chỉ, lời nói, hành động như một bản sao hoàn hảo làm tôi phải thốt lên rằng: “ Ô kìa! Thầy Bêlicốp”, rất khẽ, chỉ mình tôi nghe, không dám sơ suất, không dám để suy nghĩ của mình lạc đường bị thầy bắt gặp. Ấy vậy mà cái tên “ Bêlicốp” đã gõ cửa biệt danh của thầy lúc nào không hay, thầy đón nhận nó bằng một nụ cười khá hóm hỉnh và lạ lùng. Nhiều đứa bạn trong lớp thắc mắc hỏi tôi rằng tại sao luôn miệng gọi thầy là “ Bêlicốp”, tôi đắc chí cười thầm. Vì chỉ mình tôi biết và giữ nó làm bí mật riêng của mình về "người thầy trong bao" .
Bạn biết không, nỗi sợ lớn nhất của người dân Nga là khi Bêlicốp viếng thăm nhà ai đó. Bêlicốp chỉ lâu lâu đem sợ hãi đến một lần, còn thầy tôi một tuần năm tiết, thêm một buổi phụ đạo nữa cũng làm tôi ngất ngây lên vì “sợ hãi”.
Toán, tôi không giỏi mà gặp thầy tôi cũng chẳng ham. Vậy mà chín tháng học tôi vẫn lẩn quẩn với môn học mình cho là chán ngắt. Thầy vào lớp, lặng lẽ như Bêlicốp, không một tiếng động, cố gắng nghe tiếng bước chân rất khẽ của thầy thôi nhưng không thấy, cả lớp im phăng phắc, bục giảng là cái mục tiêu chúng tôi phải nhìn thẳng, không lệch góc độ nào và tất nhiên thầy là đích đến, những lúc đó tôi chợt nghĩ, một cái lớp quậy “ trời đánh thánh đâm” thế mà sợ hãi cái gọi là “ lặng lẽ lạ lùng”, và kịch bản tiếp theo, tôi đã thuộc lầu lầu, y như đã xem một bộ phim mấy trăm chục lần. Hãy nhìn mắt thầy mà xem, đảo qua, đảo lại, nhìn quanh như nhìn từng chi tiết trên khuôn mặt mỗi người lúc đó, chẳng có da mặt đứa nào dám nhúc nhích cả, nhiều lúc muốn hắt xì một cái mà phải gượng lại, thầy như người cấm cản cái gọi là tự nhiên nhất, lúc đó sao thấy ghét thầy thế. Tiếp theo là lời “ thân thương” : Mời ngồi!
Đó chỉ là “cảnh quay” bắt đầu cho bộ phim dài chín tháng. Tôi xin làm vài phép so sánh về người thầy của tôi và biệt danh Bêlicốp. Đó là sự so sánh tương đồng khá hợp lý sau vài năm tu luyện văn học, bấy nhiêu thôi cũng đủ làm tôi cười khúc khích cả ngày vì hài lòng. Bêlicốp thấy phụ nữ đi xe đạp là điều khủng khiếp, còn thầy tôi xem học trò diễn văn nghệ cũng là điều khủng khiếp. Hai con người, hai thế giới, hai thế hệ, ấy vậy mà những điều bình thường nhất lại chung một cảm xúc! Thật không hiểu nổi. Bêlicốp luôn “ngợi ca quá khứ” và "ngợi ca những gì không bao giờ có thật" và thầy cũng thế (đó là những suy nghĩ sai lầm của tôi), lúc ấy khi nghe những câu chuyện về thời hoàng kim xa xôi khi thầy còn là giáo viên nơi phố thị, thầy mang hương vị hiện đại thành thị lên phát triển hóa miền thôn quê. Toàn những câu chuyện xa xôi với tôi, những điều không thực.
Trường tôi không to, có chăng cũng chỉ bằng một dãy lớp phân ban A, B, C của một trường thành phố. Nhưng tôi luôn tự hào và ghét những câu chuyện so sánh thầy kể. Và cho thầy là “ chủ nghĩa mộng tưởng không thực”, xét cho cùng thì “ yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Dẫu sao tôi cũng giữ thế thượng phong, vì tôi là chủ nhà mà, lúc đó tôi thấy mình cao ngạo hơn cả những gì mình nghĩ. Và nhiều điều về sự tương đồng kì cục ấy nữa, văn chương tôi sao tả hết được. Bốn lăm phút trôi qua chậm chạp, chậm chạp trong bài giảng, tôi như ngáp ngắn ngáp dài. Hình như mọi sự trong lớp chỉ có một trạng thái chuyển động là thầy. Cả lớp và tôi trong trạng thái “im dần đều”, có một sự xa cách như lực đẩy đồng cực giữa hai cực nam châm vậy. Khoảng cách đó có lẽ do cảm xúc của tôi quá bảo thủ, chỉ tôi nghĩ vậy, chỉ mình tôi…Cứ như thế, như thế, tôi tụt dốc dần, môn Toán của tôi chỉ ngấp nghé con số 6,5 và tôi bị khống chế, làm một kì của tôi không được xếp loại giỏi! Và tôi càng ghét thầy hơn, khoảng cách xa xôi hơn, như cách mấy nghìn năm ánh sáng.
Sang kì hai, cảm xúc đó không thay đổi là mấy. Tôi học khối D của tôi, còn môn Toán tôi chẳng màng. Trong đầu luôn đinh ninh, đạo diễn nào giao vai cho thầy mà giỏi thế, toàn giống Bêlicốp! Lúc nào cũng là Bêlicốp! Tất cả như được mặc định cái tên Bêlicốp. Thầy gì đâu lạ, một nụ cười cũng chẳng miễn phí một lần.
Vậy mà giờ, tôi nhớ “người thầy trong bao” ấy lạ lùng! Nếu không có một ngày đẹp trời nói chuyện với thầy thì có lẽ mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn thế…
Tôi bắt đầu có trạng thái say nắng một người , tôi lơ đễnh việc học. Tâm hồn bay bổng cộng với môn Toán chán ngắt, tôi thỏa thích tung hoành trong suy nghĩ do chính mình đạo diễn và tự trả cát-xê. Tôi luôn nhìn ra bên ngoài lớp học vì tôi biết rằng ở đâu đó tôi có thể thấy người tôi thương. Cảm giác lúc đó thật tuyệt vời, ngay cả trong giờ Toán mà tôi cho là tồi tệ (nói ra hai chữ này con xin lỗi thầy nhiều lắm). Thế là “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, không hiểu sao thầy bắt tôi đổi chỗ ngồi vào vị trí chính giữa lớp, trong giờ học luôn làm khó tôi mọi điều, nào là trả bài, kiểm tra, hỏi… đủ mọi nghi vấn buộc tôi phải trả lời. Rồi hàng loạt điều kinh khủng xảy ra, giáo viên chủ nhiệm phê bình, đỉnh điểm là cuộc gặp gỡ thân mật gia đình tôi với giáo viên chủ nhiệm…Lúc đó, tôi biết rằng đằng sau mọi sự là do thầy “giật dây” cả, tôi chỉ biết òa lên khóc ngon lành, suy nghĩ non nớt, ích kỉ cố chấp chỉ cho mình là đúng lại còn ghét thầy hơn! Ôi! Thầy Bêlicốp, khắc tinh của đời mình hay sao!
Rồi, mọi ác cảm chỉ bị xóa nhòa khi thầy gặp riêng tôi vào một ngày nắng đẹp… Thầy nói, tôi nghe… tất tần tật, những câu hỏi “vì sao bắt tôi phải như thế này, phải như thế kia?” lần lượt được giải đáp. Lúc đó, nhìn thầy sao hiền quá! Cảm xúc trong tôi như vỡ òa, muốn ôm chầm lấy thầy như một chú cún con đang rét run ngã vào lòng mẹ. Từ sâu trong trái tim tôi hiểu rằng mọi sự thầy đều muốn tốt cho tôi cả. Và tôi bắt đầu tập trung lại việc học, thời gian trôi qua thấy tôi tiến bộ thầy vui, tôi cũng vui! Lúc đó, thầy đã cười nụ cười mà tôi ngỡ “đắt đỏ” đã được giảm giá, thầy cười một nụ cười, đủ để tôi cảm nhận rằng: “Cuối cùng điều tốt đẹp mà mình mong muốn đã được cô học trò cứng đầu thấu hiểu”.
Bây giờ, tôi cũng đã là một cô giáo chững chạc, nối nghiệp thầy. Môi trường mới đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều. Nhớ lại thời tung tăng cắp sách, nhớ đến thầy, ngộ ra nhiều điều lắm. Mà sao thấy nhớ cái kịch bản ngày xưa quá, lúc thầy vào lớp, giảng bài, nói, cười… Mỗi cảnh quay như một cuộn phim về kí ức tuyệt đẹp. Đâu phải “Người thầy trong bao” của tôi bị kì dị như thế. Tôi phì cười nhận ra rằng: “những hành động lặng lẽ như Bêlicốp đó chỉ muốn tạo không khí nghiêm túc trong giờ học cho một cái lớp “nhất quỷ, nhì ma” nhất trường thôi mà! Và cả sự can thiệp nhỏ vào cuộc sống của tôi nữa, mới thấy thầy yêu thương học trò và tâm huyết với nghề giáo của mình như thế nào. Không như Bêlicốp, con người này lúc nào cũng có khát vọng mãnh liệt thu mình trong một cái vỏ, tạo ra cho mình một thứ bao cơ thể ngăn cách bảo vệ hẳn khỏi những ảnh hưởng từ bên ngoài. Với thầy, thầy đã cố gắng dang rộng vòng tay mình hết cỡ để đón những học trò yêu của mình vào lòng, không có cái bao nào hết. Tất cả dường như không rào cản bởi tình yêu thiết tha của thầy cho nghề giáo. Và “chủ nghĩa mộng tưởng không thực” của tôi là sai lầm, thầy chỉ muốn mang đến cái mới, cái phát triển đến vùng thôn quê còn nhiều lạc hậu của tôi thôi. Tôi cảm ơn thầy nhiều lắm! Nhận ra rằng thầy là thầy thôi, không phải Bêlicốp như tôi đã nghĩ.
Thương gởi đến thầy lời cảm ơn chân thành nhất. Mặc dầu đã không còn cơ hội được đón nhận nụ cười tỏa nắng giữa mùa đông của thầy nữa; nhưng học trò mãi nhớ về người – “Người thầy trong bao”.
Tác giả: Huỳnh Thị Mi Sa
TRƯỜNG PTDTNT THCS&THPT NƯỚC OA - HUYỆN BẮC TRÀ MY - TRỰC THUỘC SỞ GD&ĐT QUẢNG NAM
78 Chu Huy Mân - Tổ Trấn Dương - Thị Trấn Trà My - Huyện Bắc Trà My - Tỉnh Quảng Nam. Tel: 02353.882.082
Bản quyền thuộc về Trường PTDTNT THCS&THPT Nước Oa - Huyện Bắc Trà My