Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được Thanh Hải viết vào tháng 11 năm 1980. Không bao lâu sau, tác giả qua đời (tháng 12 năm 1980). Bài thơ là sự thể hiện niềm yêu mến thiết tha với cuộc sống, với đất nước và ước nguyện được làm một “Mùa xuân nho nhỏ” dâng cho đời của tác giả.
“Mùa xuân nho nhỏ” là nhan đề bài thơ. Song khi đọc tác phẩm, người đọc sẽ bắt gặp và cảm nhận được một mạch nguồn cảm xúc cùng với tư tưởng của tác giả không hề nhỏ chút nào! Mà ngược lại, mạch nguồn ấy cứ như lan tỏa, như trải rộng, cao vời, gợi ra bao nhiêu suy ngẫm…Bởi mạch nguồn ấy được khơi dậy từ mùa xuân của thiên nhiên, của đất trời đến mùa xuân của đất nước, của cách mạng và cuối cùng lắng đọng vào mùa xuân trong mỗi con người, hòa vào mùa xuân lớn của dân tộc.
Khung cảnh mùa xuân được mở ra ngay trước thềm tác phẩm:
“Mọc giữa dòng sông xanh - Một bông hoa tím biếc - Ơi! Con chim chiền chiện - Hót chi mà vang trời - Từng giọt long lanh rơi - Tôi đưa tay tôi hứng”.
Bằng vài nét phác họa, tác giả đã vẽ ra được cả một không gian cao rộng, với đất trời, sông nước quyện hòa trong sắc màu và âm thanh.
Một bông hoa tím biếc, tím cái màu tím đặc trưng của xứ Huế mộng mơ, mọc giữa dòng sông xanh vừa tạo ra khung cảnh với những sắc màu hài hòa, thanh dịu vừa như gợi sự suy ngẫm nơi mỗi con người về một điều gì đó đối lập giữa cái hữu hạn và cái vô cùng…Ví như sự suy ngẫm về cuộc đời của mỗi con người với lịch sử đất nước, lịch sử nhân loại chẳng hạn.
Tâm hồn tác giả như bị mê hoặc, bị cuốn hút vào bức tranh xuân tươi đẹp, cao rộng không những ở sắc màu mà còn rộn rã âm thanh:
“Ơi! Con chim chiền chiện - Hót chi mà vang trời - Từng giọt long lanh rơi - Tôi đưa tay tôi hứng”.
Như chẳng thể làm gì khác được nữa, tác giả chỉ còn biết lặng nghe, lặng ngắm và đưa tay hứng về “từng giọt long lanh rơi”, hứng về cái cảm giác ngập tràn hạnh phúc được giao hòa cùng đất trời xuân.
Câu thơ thật giàu chất tạo hình, nó như muốn tập trung diễn tả hết cái tâm trạng, cái cảm xúc say sưa, ngây ngất đến tột cùng của tác giả. “Từng giọt long lanh rơi” là giọt gì vậy? Phải chăng đó là những giọt âm thanh của tiếng chim vọng lại rồi rơi xuống? Hay đó là những giọt xuân long lanh sắc màu và ánh sáng? Hay đó là những giọt nhựa sống của đất trời?...Có lẽ là tất cả. Tất cả như đang nảy nở, trào dâng từ đất xuân, lan tỏa đầy trời xuân rồi ngưng tụ và rơi xuống đôi bàn tay của một tâm hồn nghệ sĩ luôn khát khao giao cảm với đời bằng tất cả cảm quan của mình!
Từ mùa xuân của thiên nhiên đất trời, cảm nhận của tác giả trở về cùng mùa xuân của đất nước:
“Mùa xuân người cầm súng - Lộc giắt đầy quanh lưng - Mùa xuân người ra đồng - Lộc trải dài nương mạ - Tất cả như hối hả - Tất cả như xôn xao”.
Những gì tinh túy nhất của đất trời mùa xuân như vươn lên trong hình ảnh lộc non chồi biếc. Những lộc non theo chân “người cầm súng”, theo chân “người ra đồng” rộng dài muôn ngả. Hay chính những bước chân “hối hả”, “xôn xao” của họ - những người góp công đầu vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – đã đem lộc xuân đến khắp mọi miền…
Và tiếp đó, tác giả đã khái quát lại, tổng kết lại những trang sử vẻ vang của đất nước trong mấy câu thơ:
“Đất nước bốn nghìn năm - Vất vả và gian lao - Đất nước như vì sao - Cứ đi lên phía trước”.
Thanh Hải chẳng cần phải nói nhiều, kể nhiều. Ông chỉ tổng kết lại thôi vậy mà lại gợi ra được bao nhiêu sự suy ngẫm nơi người đọc. Bởi ông hiểu ai trong chúng ta, những “con Lạc, cháu Hồng” lại chẳng mang sẵn trong mình lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Một dân tộc với những trang sử vẻ vang từ buổi đầu dựng nước của các triều đại vua Hùng cho đến thời đại ngày nay – thời đại Hồ Chí Minh và mãi mãi muôn đời sau…
Dẫu lịch sử có những bước thăng trầm nhưng chân lý và chiến công bao giờ cũng thuộc về dân tộc ta, đất nước ta, “nước của những người chưa bao giờ khuất”, nước của những người giàu lòng yêu nước, giàu đức hy sinh, giàu ý chí và nghị lực để đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta mãi mãi “như vì sao – cứ đi lên phía trước”.
Giữa đất trời mênh mang xuân, giữa mùa xuân lớn của đất nước, của công cuộc cách mạng, tác giả đã gợi ra những suy ngẫm về lịch sử, cội nguồn…rồi tác giả lại suy ngẫm về mùa xuân, về lẽ sống của mỗi con người. Đó là một điều thật tự nhiên và thường tình như ở phần đầu bài thơ đã gợi ra:
“Ta làm con chim hót - Ta làm một nhành hoa - Ta nhập vào hòa ca - Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ - Lặng lẽ dâng cho đời - Dù là tuổi hai mươi - Dù là khi tóc bạc”.
Suy ngẫm về lẽ sống, về mục đích sống không phải là chuyện riêng tư của một cá nhân nào. Bởi “chân lý thuộc về mọi người”. Và điều đó đã là điều quan tâm của toàn nhân loại xưa nay:
Trên thế giới, nhà văn Nga nổi tiếng Lép-Tôn-xtôi trong “Thép đã tôi thế đấy” có viết: Tuổi trẻ là giai đoạn quý giá nhất trong cuộc đời mỗi con người. Vì vậy phải sống sao để không phải nói câu ân hận vì những năm tháng tuổi trẻ đã sống hoài sống phí.
Nhà văn Pháp Đi-đơ-rô cũng nói: “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường”.
Ở Việt Nam, tục ngữ xưa có câu: “Chết trong còn hơn sống đục”.
Nay, nhà thơ Tố Hữu trong bài “Một khúc ca” cũng viết:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Cùng là những quan niệm về lẽ sống, song nhà thơ Thanh Hải có cách nói của riêng mình:
“Ta làm con chim hót - Ta làm một nhành hoa - Ta nhập vào hòa ca - Một nốt trầm xao xuyến”.
Cách nói của tác giả về lẽ sống mới nhỏ nhẻ, khiêm nhường và chân thành làm sao! Những tư tưởng của gần một kiếp người trải nghiệm và dâng hiến cho đời mà cứ nhẹ nhàng bộc bạch như những lời tâm niệm với cuộc đời, trước mùa xuân lớn của đất nước vậy. Phải đâu chỉ có tuổi trẻ, mà suốt đời, suốt đời lặng lẽ hiến dâng cho đất nước những gì mình có thể. “Dù là tuổi hai mươi – Dù là khi tóc bạc”…
Điều đó được minh chứng rất sinh động bằng chính cuộc đời ông. Một cuộc đời ân nặng, tình sâu với đất nước, với xứ sở quê hương đến những phút giây cuối cùng. Và chắc hẳn bài thơ sẽ gợi ra nơi mỗi người đọc, nhất là các bạn trẻ những suy ngẫm; thắp sáng ngọn lửa trái tim họ, thôi thúc bước chân họ trên vạn nẻo đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Trà My, tháng 05 năm 2008
Nguyễn Thị Ngoan
Trang 1 trong tổng số 34
TRƯỜNG PTDTNT THCS&THPT NƯỚC OA - HUYỆN BẮC TRÀ MY - TRỰC THUỘC SỞ GD&ĐT QUẢNG NAM
78 Chu Huy Mân - Tổ Trấn Dương - Thị Trấn Trà My - Huyện Bắc Trà My - Tỉnh Quảng Nam. Tel: 02353.882.082
Bản quyền thuộc về Trường PTDTNT THCS&THPT Nước Oa - Huyện Bắc Trà My