T |
rong suốt chặng đường phát triển và rèn luyện bản thân, chắc hẳn sẽ có những người luôn yêu thương ta vô điều kiện. Ngoài ba mẹ ra, có thể là bạn bè, những người tri kỉ, và còn có cả thầy cô – những người thầm lặng hy sinh vì ta mà lúc đó ta còn non nớt, chưa cảm nhận hết được. Mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng đều được cắp sách đến trường, chắc chắn sẽ giữ cho mình những kỉ niệm khó quên nhất mà thầy cô để lại, theo ta đến suốt hành trình sau này. Và tôi cũng thế, đôi lúc những kỉ niệm ấy lại bất chợt ùa về trong trí nhớ của tôi, như những thước phim quay chậm, làm tôi khựng lại, ngậm ngùi với một chút tiếc nuối vì thời gian; rồi lại khẽ mỉm cười vì ta đã từng gặp được những người thầy, người cô đáng quý, cho ta những niềm tin mạnh mẽ đến thế. Tôi sẽ kể cho bạn nghe về kỉ niệm mà tôi nhớ nhất, người thầy “xấu xí” mà tôi trân quý nhất, đó là thầy giáo Phạm Văn Lực – cựu giáo viên Trường THCS Chu Huy Mân, huyện Bắc Trà My.
Thầy Lực cùng học sinh lớp tôi
Bạn biết rồi đấy, lứa tuổi học trò chúng ta rất yêu mến cái đẹp. Thầy cô phải là những thần tượng, những người mẫu lí tưởng thì mới được chúng ta tung hô. Và hiển nhiên, cái đẹp nó cũng lôi cuốn sự hấp dẫn trong tiết học. Thế nhưng, phải nói một điều rằng tạo hóa không ưu ái cho thầy một chút nào. Chính vì diện mạo không ưa nhìn, kèm thêm hàm răng hô “ấn tượng” nên lũ học trò chúng tôi ai nấy cũng đều không thích thầy, xem thường thầy. Và tôi cũng không ngoại lệ. Mỗi lần gặp thầy trong sân trường, tôi luôn nhìn thầy với ánh mắt chê bai và không bao giờ cúi đầu chào thầy.
Mãi đến năm tôi học lớp 8 thì thầy lại là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi. Cứ mỗi lần thấy thầy đứng trên bục giảng thì tôi lại cảm thấy chán ngắt rồi, ngoại hình cực kì xấu xí của thầy cộng thêm bộ môn Tiếng Anh khó nhằn đã khiến hầu hết lớp tôi chán nản, chẳng có ai yêu quý thầy. Thậm chí, các bạn nam nghịch ngợm còn đặt cho thầy cái biệt danh “bộ trưởng bộ gặm nhấm”. Rồi cả lớp lại cười ồ lên với vẻ khoái chí mỗi khi ai đó nhắc đến biệt danh ấy. Khi chúng tôi vô tình để lọt cái biệt danh ấy đến tai thầy, thầy đã không tức giận mà còn mỉm cười với vẻ hóm hĩnh “Thầy đáng yêu đến thế à?”
Lớp chúng tôi cũng đã không ít lần “giở trò” như kiểu người xưa thường hay nói “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, lúc đó chúng tôi đâu suy nghĩ được cảm giác của thầy thế nào, chúng tôi cứ thấy thích thì lại làm, vì cái tính ngỗ nghịch thời ấy. Cứ đến tiết học môn Tiếng Anh của thầy chúng tôi lại bày trò. “Trò vui” thứ nhất của lớp tôi là khi thầy vừa bước vào lớp, chuẩn bị kiểm tra bài cũ, chuông điện thoại của thầy reo lên, thầy tắt máy bỏ vô cặp; vừa xong chuông điện thoại lại reo lên. Và cứ thế hết số này gọi, đến số khác gọi, rồi thầy khóa và tiếp tục tiết dạy. Chúng tôi nhìn nhau cười khúc khích vì đã thành công. Thầy đâu biết được rằng đó là số điện thoại của lũ học sinh lớp tôi nhá máy để chọc thầy. (Lúc đó, trường tôi không cho mang điện thoại lên lớp, nhưng chúng tôi đã lén sử dụng). Có lần, chúng tôi ăn kẹo cao su, rủ nhau dán bã kẹo lên ghế của thầy, và tất nhiên, tôi cũng biết vụ ấy mà vẫn lặng thinh. Kết quả y như mong đợi của lớp tôi. Lúc đó, thầy chẳng những không la mắng mà còn cười vui “Bạn nào lớp mình thương thầy thế, ăn kẹo su mà vẫn nhớ đến thầy?”. Lúc đó, chúng tôi thầm bảo nhau: “Thầy gì mà kì cục đến thế, không biết tức giận là gì hay sao mà chuyện gì thầy cũng cười được”. Vì thế mà chúng tôi được nước lấn tới.
Rồi chuyện gì đến rồi cũng đã đến. Giờ ra chơi hôm ấy, tôi bị bạn Tuấn ngồi bàn dưới chọc ghẹo, bạn dán kẹo su vào ghế ngồi của tôi, thế là quần tây tôi bị dính đầy kẹo. Vốn dĩ, tôi là một người nhút nhác, sợ sệt, luôn tự ti trước bạn bè. Khi bị sự cố như vậy, tôi xấu hổ lắm, mặt đỏ phừng phừng. Rồi tiếng chuông vang lên đến giờ vào lớp học môn Tiếng Anh của thầy. Khi thầy bước vào, tôi đã không đứng dậy chào thầy mà chui xuống gầm bàn ngồi co ro lại, sụt sịt khóc, khóc đến tím tái cả mặt, khóc vì uất ức. Thấy thế, thầy đã bước chân tiến về phía tôi. Tôi cứ ngỡ thầy sẽ la mắng, trách móc. Nhưng nào ngờ thầy cất lên giọng nói ấm áp vô cùng “Em bị làm sao vậy?”. Tôi ngước nhìn thầy bằng ánh mắt cầu cứu, rồi lại tiếp tục những tiếng nấc. Thầy quay sang hỏi lớp trưởng – người học sinh ngoan nhất lớp. Khi biết mọi chuyện, thầy đã yêu cầu bạn Tuấn xin lỗi tôi. Nhưng Tuấn không nghe mà còn cười sặc sụa, các bạn trong lớp cũng cười theo.
Lúc đó, tôi thấy rất rõ sự tức giận hiện trên đôi mắt của thầy. Khi nỗi giận ấy đã lên đến đỉnh điểm không thể cứu vãn được nữa, thầy đã thét lên: “Em hãy im lặng và xin lỗi bạn cho tôi” khiến tôi giật bắn mình. Cả lớp chìm trong không khí im lặng đến lạ thường, ai nấy đều sợ hãi cúi gằm mặt xuống và không còn nghe một tiếng động nào cả. Bỗng thầy nghoảnh lại nhìn tôi một hồi, bất giác thầy cầm tay tôi an ủi: “Em đừng sợ, hãy dũng cảm đối mặt với mọi tình huống”. Giọng nói của thầy với một âm vực thấp, rõ ràng đã in dấu ấn trong tâm trí tôi. Thầy đỡ tôi ngồi lại ngay ngăn trên ghế. Tôi đã lấy hết can đảm mới thốt lên được câu “Em cảm ơn thầy”.
Tiết học hôm đó thầy không dạy, thầy dành cả tiết để nói chuyện với lớp chúng tôi. Thầy nói lên hết mọi suy nghĩ và tâm sự với chúng tôi về những biện pháp giáo dục mà thầy sử dụng. Thầy nói rằng thầy không nghiêm khắc với lớp tôi vì thầy biết lớp tôi rất nghịch, là lớp quậy tóp đầu của trường. Thầy muốn dùng tình thương để cảm hóa chúng tôi, thầy muốn chúng tôi hiểu chuyện hơn chứ không muốn dùng hình phạt. Từng lời, từng lời thầy nói khiến chúng tôi biết rằng thầy rất hiểu tâm lí học sinh lứa tuổi này và thầy đã yêu thương chúng tôi đến nhường nào. Thầy còn biết hết mọi chuyện lớp tôi làm, như việc nhá máy điện thoại thầy, việc cố tình dán bã kẹo cao su lên ghế thầy…và nhiều chuyện khác nữa mà chúng tôi gây ra. Thầy nhận xét về từng bạn trong lớp, không sai lệch tính cách ai một tí nào. Vậy là, thầy đã giải quyết ổn thỏa mọi suy nghĩ ấu trĩ của chúng tôi về thầy. Chúng tôi, lần lượt lần lượt từng bạn đứng dậy xin lỗi thầy. Cuối cùng nét mặt thầy cũng đã dần rạng rỡ hẳn lên, niềm vui tràn ngập cả không gian lớp học.
Giữa thầy và trò chúng tôi giờ đây dường như đã không còn một khoảng cách nào nữa. Từ hôm đó trở đi, tôi cảm thấy yêu quý thầy hơn, tiết học môn Tiếng Anh sau đó chưa bao giờ hấp dẫn đến như vậy. Kể cả những bạn nam cá biệt trong lớp đều hợp tác học tập rất vui vẻ. Thời gian cứ thế dần trôi qua, lớp tôi và thầy cùng nhau tham gia rất nhều hoạt động của nhà trường. Và đến cuối học kì 1 năm đó, thầy có quyết định chuyển công tác. Đó là lúc chúng tôi như bị chênh vênh hụt hẫng, như bị bỏ bơ vơ giữa sân trường, chúng tôi òa khóc ôm chầm lấy thầy trong buổi chia tay. Thầy đã dặn dò lớp rất kĩ, động viên chúng tôi cố gắng học tập, sau này mới có thể lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình. Thầy đi thật rồi, chúng tôi dõi theo bóng thầy. Chưa bao giờ cái dáng dấp ấy lại đẹp đến thế. Thầy tôi là người đẹp nhất trong tâm trí chúng tôi lúc này.
Có lẽ, thời học sinh là khoảng thời gian huyền dịu nhất. Tất cả kỉ niệm dần dần sẽ theo thời gian mà được cất vào kho báu tâm hồn mỗi người. Nhờ thầy mà tôi hiểu ra được chân lí sống để mình mạnh mẽ hơn, hạnh phúc hơn, đẹp hơn. Cái đẹp nó không nằm ở ngoại hình mà ở trong tâm hồn mỗi chúng ta. Ta có một cuộc sống, ta phải sống làm sao để ý nghĩa, đừng để lúc nhận ra thì hối hận không kịp. Vì thế, ngay lúc bây giờ tôi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn tự nhủ rằng mỗi ngày mình cần cố gắng hơn nữa, đừng để thầy cô buồn lòng, để sau này ta sẽ có những kỉ niệm đẹp về thầy cô và mái trường. Câu chuyện tôi vừa kể là một kỉ niệm đẹp, một bài học đáng giá nhất trong hành trang vào đời của tôi. Dù mai sau tôi có đi đâu, làm gì tôi vẫn sẽ mãi nhớ đến người thầy “ xấu xí” năm xưa. Mong thầy luôn mạnh khỏe để tiếp tục hành trình “cõng chữ lên non”.
Tác giả: Lê Thị Mỹ Lan
(Học sinh lớp 12/1, năm học: 2022-2023)
TRƯỜNG PTDTNT THCS&THPT NƯỚC OA - HUYỆN BẮC TRÀ MY - TRỰC THUỘC SỞ GD&ĐT QUẢNG NAM
78 Chu Huy Mân - Tổ Trấn Dương - Thị Trấn Trà My - Huyện Bắc Trà My - Tỉnh Quảng Nam. Tel: 02353.882.082
Bản quyền thuộc về Trường PTDTNT THCS&THPT Nước Oa - Huyện Bắc Trà My